BẢO TỒN HỔ Ở VIỆT NAM: CHỈ THIẾU HAI CHỮ “LÀM THẬT”!

Tháng bảy 21, 2022

Câu chuyện bảo vệ, bảo tồn, chống lại các đối tượng nuôi nhốt trái phép, buôn bán, vận chuyển rồi nấu cao “Chúa Sơn Lâm” ở Việt Nam chưa bao giờ nóng như lúc này.

Năm 2021, vụ giải cứu hổ lớn nhất trong lịch sử Việt Nam với 24 cá thể hổ trưởng thành và hổ con thoát khỏi bàn tay của giới làm ăn phi pháp, mức án gần 20 năm tù mà các thủ phạm đã phải lĩnh cũng là một kỷ lục không thể nào quên. 

Trên nhiều tỉnh thành, từ Thái Nguyên, vào Thanh Hóa, Hà Tĩnh, ngược lên Điện Biên, Lai Châu, vào tít Đồng Nai… liên tiếp nhiều vụ bắt giữ các đối tượng sát hại, nấu cao hổ. Và những vụ việc như trên đa số đều diễn ra khá “công khai”. Những trang trại trái phép của họ rộng mênh mông, khách ra vào nườm nượp, họ còn thản nhiên kể về những câu chuyện “chăn nuôi” hổ trong nhà như thế nào, “xử lý” và đem đi nấu cao ra sao,… Ở khắp các tỉnh, các trùm buôn lậu hổ và động vật hoang dã quý hiếm đều “khét tiếng”, cả một vùng dân cư rộng lớn ai cũng biết. 

Sản xuất hàng loạt cao hổ cốt, chụp cạnh tiêu bản “chúa Sơn Lâm” để tăng niềm tin cho khách, sau đó đưa lên mạng xã hội rao bán. Ảnh: Người bán hàng cung cấp

Đó cũng là lý do để có được vụ giải cứu hổ lớn nhất trong lịch sử Việt Nam vào tháng 8 năm 2021. Từ gần 10 năm trước, các nhà báo đã xâm nhập các ngôi nhà nhốt hổ như “địa ngục trần gian” dưới hầm tối và có các video về việc nuôi hổ trái phép tại nhà rồi rao bán, cùng các tổ chức gặp trực tiếp cơ quan điều tra để tố cáo. Tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, có nhà Nguyễn Văn Hiền, nuôi 14 cá thể hổ khổng lồ cùng lúc, Hiền đã lĩnh án 7 năm tù giam; 2 kẻ buôn 7 hổ con lĩnh 9 năm tù; hàng xóm nhà Hiền bị phát hiện nuôi trái phép 3 cá thể hổ tạ, chịu hình phạt 30 tháng tù giam.

Cách đó không xa, công an Hà Tĩnh phát hiện một con hổ trong nhà ông Đ.N.Ngh., 49 tuổi, ngụ xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn. “Chúa Sơn Lâm” nặng khoảng 250kg được xác định bị điện giật, nằm bất tỉnh trên nền nhà. Lúc này chủ nhà đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Đến trưa hôm sau, ông Ngh. đã đến trình diện tại Công an huyện Hương Sơn. Làm việc với công an, bước đầu ông Ngh. khai mua con hổ trên từ Nghệ An về để nấu cao.

6 đối tượng người Việt tổ chức giết đến 40 con sư tử trong 2 ngày ở Nam Phi và bị bắt, cao sư tử đó được mang về Việt Nam giả làm cao hổ

Ngày 18/3/2022, Công an huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã tạm giữ hình sự 3 nghi phạm Lường Văn Anh (trú tại xã Sam Mứn, huyện Điện Biên), 2 đối tượng quê Nghệ An gồm: Ngô Sỹ Thành (trú tại xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp) và Ngô Sỹ Tiến (trú tại phường Hưng Dũng, thành phố Vinh) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã cấp quý hiếm. Trước đó, các đối tượng dùng dao và kích điện giết một cá thể hổ nặng 220kg tại nhà riêng của Lường Văn Anh. Họ khai nhận mua cá thể hổ sống tại Nghệ An rồi vận chuyển lên Điện Biên.

Một con hổ bị dính bẫy ở Malaysia, đây là địa bàn nhiều đối tượng người Việt đã đi tìm trầm hương, vào rừng, giết hổ mang về Việt Nam bán. Ảnh: WWF

Mọi công cụ chúng ta đã có, chỉ thiếu sự minh bạch và các cuộc ra quân “làm thật”, làm thường xuyên, dám đi đến tận cùng vấn đề. Sự thật này không chỉ đúng với nạn buôn bán giết hại “Chúa Sơn Lâm”, mà còn đúng với tất cả các loài hoang dã đang phải gánh chịu bi kịch của chúng ta hiện nay. Đã rất nhiều lần, các chuyên gia khuyên rằng, vài chất vi lượng có thể có trong xương hổ hoang dã xưa kia người phương Đông vẫn mải mê tìm kiếm (chứ không có ở hổ nuôi trong “ngục tối”!) thì khoa học bây giờ có thể chế tạo ra và thay thế trên cả tuyệt vời. Tại sao chúng ta lại cứ gián tiếp hoặc trực tiếp đi giết hổ một cách mù quáng với đầy rủi ro pháp lý?

Theo Dân Việt

CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY

Share on facebook
Share on twitter
Share on email
Share on whatsapp
Share on linkedin
Share on pinterest