Buôn bán vật nuôi bất hợp pháp tại Úc liên quan mật thiết tới Hoa Kỳ

Tháng tám 25, 2021

Việc buôn lậu động vật sống xuyên quốc gia gây ra mối đe dọa đối với đa dạng sinh học, bảo tồn, an toàn sinh học môi trường, phúc lợi động vật cũng như sức khỏe và đời sống của con người.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Conservation Letters, các nhà nghiên cứu tại Đại học Adelaide đã so sánh việc buôn lậu bất hợp pháp các loài bò sát sống bao gồm thằn lằn, rắn và rùa vào Úc với việc buôn bán vật nuôi không được kiểm soát ở Hoa Kỳ (US), qua đó tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân dẫn đến buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và phát triển một khuôn khổ để dự đoán các xu hướng buôn lậu động vật hoang dã trong tương lai.

Các loài bò sát có nguy cơ cao bị buôn bán bất hợp pháp (Ảnh: F. pardalis by Charles J.Sharp; L. mexicana by PetrBrož; P. brongersmai by Tontan Travel; and P. arachnoides by Klaus Rudloff) 

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc buôn bán bò sát không được kiểm soát ở Mỹ và các nước phương Tây khác có ảnh hưởng lớn đến mong muốn của người Úc đối với các loài bò sát bất hợp pháp.

Tiến sĩ Oliver Stringham từ Trường Khoa học Sinh học của Đại học Adelaide, tác giả chính nghiên cứu cho biết: “các thị trường Hoa Kỳ thúc đẩy nhiều khía cạnh của văn hóa phương Tây, chẳng hạn như thời trang, âm nhạc và thức ăn nhanh, vì vậy ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với việc buôn bán vật nuôi bò sát có khả năng là đáng kể”.

Các nhà nghiên cứu đã lập mô hình xác suất các loài bò sát bị buôn lậu vào Úc bằng cách sử dụng dữ liệu thương mại của Hoa Kỳ, kiểm kê cửa hàng vật nuôi bò sát của Hoa Kỳ và các biến số dựa trên đặc điểm, phân loại và thương mại khác của loài bò sát.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy 75 loài bò sát được báo cáo là buôn lậu vào Úc từ năm 1999 đến năm 2016, tất cả trừ một loài cũng được tìm thấy trong hoạt động buôn bán không được kiểm soát của Hoa Kỳ. Trung bình, một loài được nhập lậu lần đầu tiên đến Úc vào khoảng 6 năm sau khi lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ.

Ba họ bò sát có xác suất bị buôn lậu cao nhất gồm họ Elapidae (chẳng hạn như rắn hổ mang và mambas, tất cả đều có nọc độc), Kinosternidae (loài rùa nhỏ như rùa bùn và rùa xạ) và Testudinidae (rùa cạn).

Các loài được liệt kê trong Phụ lục I của Công ước CITES có xác suất bị buôn lậu cao hơn so với các loài không được liệt kê.

Theo Stringham, nhu cầu gần đây đối với các loài bất hợp pháp ở Úc bắt nguồn từ các loài đã có mặt trong ngành buôn bán vật nuôi của Hoa Kỳ chứ không phải là các loài mới xuất hiện hoặc ngoại lai. “Chúng tôi cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy các chỉ số cấp thị trường về buôn bán động vật hoang dã hợp pháp ở Hoa Kỳ có khả năng dự đoán mạnh mẽ để phân biệt loài nào bị buôn lậu bất hợp pháp vào Úc. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cung cấp danh sách theo dõi rủi ro đầu tiên về các loài bò sát mong muốn được buôn bán vào Úc và một khuôn khổ để dự đoán các xu hướng buôn lậu động vật hoang dã trong tương lai”, Stringham cho biết.

Phó giáo sư Phill Cassey từ Phòng thí nghiệm Khoa học về Xâm hại & Sinh thái Động vật Hoang dã của Đại học Adelaide nhấn mạnh: “các nước phương Tây đóng một vai trò quan trọng trong việc buôn bán động vật hoang dã hợp pháp và bất hợp pháp, đặc biệt là trong việc nuôi thú cưng ngoại lai. Chúng tôi hy vọng những phát hiện này giúp đánh giá và dự đoán nguy cơ động vật sống kỳ lạ bị buôn lậu vào Úc và các nước phương Tây khác, đồng thời khuyến khích các nghiên cứu sâu hơn về các mô hình và động cơ buôn lậu động vật sống”.

Nguồn: Bảo vệ Rừng và Môi trường

CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY

Share on facebook
Share on twitter
Share on email
Share on whatsapp
Share on linkedin
Share on pinterest