Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình vừa tiếp nhận bệnh nhi nữ, 9 ngày tuổi, bị ngộ độc mật khỉ.
Theo thông tin từ bệnh viện, cách nhập viện 2h, gia đình cho bé uống mật khỉ theo kinh nghiệm dân gian, mà theo giải thích của ông bà, cha mẹ bé là để phòng co giật.
Sau khi uống mật khỉ 2h, bé đột ngột tím tái, khó thở tăng dần. Bé được đưa vào viện trong tình trạng ngưng thở ngưng tim, hồi sức liên tục 10 phút mới có nhịp tim trở lại.
Hiện tại, bé vẫn trong tình trạng nguy kịch, ranh giới giữa sống và chết rất mong manh. Nếu sống thì hậu quả của 10 phút ngừng tim lên não là điều khó tránh khỏi (động kinh, co giật, bại não..).
Theo bác sĩ Phạm Thị Tình, Khoa Nhi – là người trực tiếp cấp cứu cho bé, đây là trường hợp ngộ độc mật khỉ nặng, tiên lượng tử vong rất cao. Tác dụng phòng co giật của mật khỉ, mật lợn chưa có bằng chứng khoa học chứng minh. Nhưng với nhiều ông bà, cha mẹ nó lại được ví như “thần dược phòng giật”.
Bác sĩ khuyến cáo: Trẻ sơ sinh cơ thể còn yếu, phản xạ bú nuốt kém, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên nếu dùng những loại mật như mật khỉ, mật gấu, cao khỉ, cao trăn… có thể sặc hoặc ngộ độc dẫn đến nguy kịch tính mạng.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên bệnh viện tiếp nhận trường hợp ngộ độc do uống mật khỉ. Ngày 15/9/2020, bệnh viện đã từng khuyến cáo về trường hợp ngộ độc mật khỉ tương tự.
Theo VTV