Cơ sở dữ liệu DNA của rùa có thể truy vết buôn bán mai rùa bất hợp pháp và các điểm nóng săn trộm

Tháng bảy 21, 2022

  • Đồi mồi thuộc loài cực kỳ nguy cấp đã và đang bị săn bắt trong nhiều thế kỷ vì những hoa văn trên mai của chúng để làm đồ trang trí hoặc trang sức bằng mai rùa.
  • Việc khai thác và buôn bán đã đẩy loài này đến bờ vực tuyệt chủng. Bất chấp các lệnh cấm của quốc tế đối với việc giết, buôn bán rùa và các bộ phận của chúng, nhu cầu vẫn tiếp tục dai dẳng châm ngòi cho nạn buôn bán bất hợp pháp.
  • Các chuyên gia cho biết hy vọng việc ra mắt cơ sở dữ liệu DNA rùa toàn cầu mới cùng với các kỹ thuật pháp y động vật hoang dã dựa trên DNA sẽ có thể lật ngược thế cờ đối với những kẻ săn trộm và buôn bán bất hợp pháp.
  • Nguồn tài nguyên mới có tên ShellBank sẽ cho phép các cơ quan thực thi pháp luật theo dõi các sản phẩm mai rùa bị tịch thu đến các địa điểm nuôi rùa đã biết để giúp họ ngăn chặn nạn săn trộm và buôn bán bất hợp pháp.

 

Ở khía cạnh nào đó, lớp mai bảo vệ của đồi mồi là điểm yếu lớn nhất của nó. Do có hoa văn tinh xảo và độ dày đủ để chạm khắc, mai đồi mồi là loại mai rùa phổ biến nhất và là loại vật liệu được săn đón trong nhiều thế kỷ để chế tạo tất cả các loại đồ vật, từ trang sức đến khung mắt kính và ở Nhật Bản có hẳn một loại hình thủ công mỹ nghệ gọi là bekko. Mặc dù tất cả các sản phẩm như vậy hiện đã bị cấm buôn bán quốc tế theo CITES – công ước toàn cầu về buôn bán động vật hoang dã nhưng nhu cầu vẫn dai dẳng kéo theo tình trạng buôn bán bất hợp pháp và đang đẩy các loài cực kỳ nguy cấp tới nguy cơ bị tuyệt chủng.

Cho đến nay, những kẻ buôn bán và săn trộm vô đạo đức vẫn đi trước cơ quan thực thi pháp luật một bước vì khó có thể truy ra xuất xứ của hàng nghìn sản phẩm từ mai rùa bị tịch thu mỗi năm trên toàn cầu. Nhưng với sự ra mắt của cơ sở dữ liệu DNA rùa biển mới, hay gọi là ShellBank, cục diện có thể sẽ thay đổi.

Giải pháp này được ra mắt ở một thời điểm cũng không phải là quá sớm. Các nhà khoa học ước tính rằng con người đã giết khoảng 9 triệu con đồi mồi (Eretmochelys imbricata) trong 180 năm qua, chủ yếu để lấy mai của chúng. Do đó, số lượng của chúng giảm 75% so với mức lịch sử và các đánh giá dân số gần đây ước tính có ít hơn 25.000 con cái trưởng thành sống trong tự nhiên.

Bất chấp lệnh cấm, các mặt hàng bằng mai rùa vẫn thường xuyên được bán trên toàn cầu. Hình ảnh này là những sản phẩm bán ở Mỹ Latinh và Caribe. Ảnh © Hal Brindley / TravelforWildlife.com

ShellBank là một sáng kiến ​​do WWF dẫn đầu với sự hợp tác của các chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức học thuật và cộng đồng, được quảng bá như là kho dữ liệu có thể truy cập đầu tiên trên thế giới lưu trữ thông tin gen di truyền của loài rùa nhằm cho phép các cơ quan chức năng truy quét nạn săn trộm và buôn bán bất hợp pháp, đồng thời giúp các nhà nghiên cứu theo dõi động thái quần thể rùa.

Michael Jensen – điều phối viên gen di truyền các loài sinh vật biển tại WWF-Australia chia sẻ với Mongabay: “Trước đây, loại dữ liệu này phải lấy từ các tài liệu đã xuất bản và các nhà nghiên cứu phải lưu trữ trong bảng tính cá nhân. Cơ sở dữ liệu DNA tổng hợp dữ liệu di truyền từ ba nguồn chính: các sản phẩm từ mai rùa; rùa tại các địa điểm làm tổ; và rùa ở biển, bao gồm cả các cá thể kiếm ăn và bị thả về trong lúc đánh bắt thủy sản.

Bằng cách trích xuất DNA từ các mặt hàng lậu, các nhà chức trách có thể sử dụng thông tin được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của ShellBank để truy tìm nguồn gốc của chúng và địa điểm làm tổ của con rùa bị giết. Mặc dù người ta cũng có bắt rùa ở dưới biển, nhưng loài vật này dễ bị tổn thương nhất khi ở trên cạn tại nơi làm tổ của chúng. Theo WWF, một khi các nhà chức trách biết được các khu vực làm tổ có nguy cơ bị đe doạ, họ sẽ có thể đặt mục tiêu nỗ lực thực thi các công tác tăng cường và bảo tồn xung quanh khu vực này để ngăn chặn nạn săn trộm.

Greta Frankham, một nhà khoa học pháp y về động vật hoang dã tại Viện Nghiên cứu Bảo tàng Úc chiết xuất DNA của rùa từ các sản phẩm từ mai rùa trong chiến dịch do WWF dẫn đầu nhằm truy tìm nguồn gốc làm tổ của con rùa bị giết. Ảnh © Abram Powell

Cách tiếp cận tương tự như những phương pháp được sử dụng trong các cuộc điều tra pháp y dựa trên DNA với các trường hợp khác của nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã, chẳng hạn như ngà voi, sừng tê giác và xương hổ, một số phương pháp đã cung cấp bằng chứng mạnh mẽ cho các cuộc điều tra tội phạm.

Quá trình pháp y rùa biển được xây dựng trong nhiều thập kỷ bởi các nhà khoa học nghiên cứu những con rùa bị mắc cạn trong lúc đánh bắt thuỷ sản hoặc bị mắc cạn trên bờ biển và tập trung vào việc phân tích sự khác biệt nhỏ trong DNA ty thể để phân biệt các quần thể sinh sản riêng biệt.

Jensen bày tỏi với Mongabay: “Ai cũng biết rằng rùa biển cái sẽ quay về khu vực nó được sinh ra để sinh sản và đẻ trứng, quá trình đó gọi là natal homing. Kết quả là, các quần thể rùa có một dấu hiệu di truyền duy nhất cho mỗi vùng làm tổ. Bằng cách lập bản đồ dấu hiệu di truyền của các khu vực làm tổ riêng lẻ, chúng tôi có thể xác định nguồn gốc của những con rùa từ các mẫu lấy từ những bãi biển nơi rùa làm tổ. ”

Vào năm 2021, Jensen và các đồng nghiệp đến từ Úc và Mỹ đã chỉ ra rằng bằng cách áp dụng những nguyên tắc chiết xuất DNA từ ​​các sản phẩm từ mai rùa, họ có thể xác định được nơi sinh sản của những con rùa xấu số này. Họ đã truy tìm các mặt hàng và thu được tại các chợ địa phương ở Papua New Guinea, quần đảo Solomon đến các địa điểm làm tổ được biết đến ở quần đảo Solomon – nơi hoạt động khai thác rùa để tiêu thụ trực tiếp vẫn được xem là hợp pháp.

Francesca Roncolato, WWF-Australia sắp xếp chọn các vật phẩm làm từ mai rùa được quyên góp như một phần của chiến dịch do WWF dẫn đầu nhằm truy tìm nguồn gốc làm tổ của những con rùa bị giết. Ảnh © WWF-Australia

Gần đây hơn, các nhà nghiên cứu đã sử dụng cơ sở dữ liệu DNA của ShellBank để truy tìm nguồn gốc của hàng trăm món đồ được thu thập ở Úc từ năm 2020 đến năm 2021 như một phần của chiến dịch WWF khuyến khích công chúng giao nộp các sản phẩm từ mai rùa cho chính quyền. Khoảng 60% vật phẩm bàn giao được làm bằng mai đồi mồi (phần còn lại là nhựa hoặc từ các loại rùa khác), và trong số đó một nửa có nguồn gốc từ các quần thể sinh sản ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, một phần tư từ phía tây nam Thái Bình Dương, và khối lượng nhỏ hơn từ Malaysia, Nhật Bản và Caribe.

Jensen cho biết những nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu DNA của ShellBank ban đầu sẽ tập trung vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, một trung tâm nổi tiếng về nhu cầu và buôn bán đồi mồi bất hợp pháp: chỉ riêng từ năm 2015 đến năm 2018, hơn 1.000 sản phẩm rùa và một lượng lớn mai sống đã bị tịch thu ở Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Hơn nữa, số lượng cá thể rùa còn thấp ở mức báo động – ít hơn 5.000 con cái trưởng thành được cho là vẫn còn sống trong khu vực.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã biết dấu hiệu di truyền của 5 đàn đồi mồi Châu Á – Thái Bình Dương sinh sản đại diện cho 7 vị trí làm tổ riêng lẻ. Jensen cho biết nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu tăng gấp ba lần con số đó vào cuối năm 2022 bằng cách làm việc với các đối tác trong khu vực để lấy mẫu nhiều sản phẩm mai rùa hơn và thu thập hồ sơ di truyền của chúng.

Ông nói: “Thách thức chính để xác định chính xác nguồn gốc làm tổ là xây dựng một cơ sở dữ liệu tham khảo toàn diện về tất cả (hoặc hầu hết) các quần thể sinh sản để so sánh với nhau. “Khi cơ sở dữ liệu tham chiếu tiếp tục phát triển, chúng tôi sẽ có thể truy tìm nguồn gốc dân số với độ chính xác cao hơn”.

Đồi mồi bơi gần một rạn san hô. Ảnh của Cinzia Osele Bismarck / Ocean Image Bank

Người phát ngôn của Viện nghiên cứu động vật biển lớn có xương sống (LAMAVE) chia sẻ trong một e-mail với Mongabay: “Chúng tôi thực sự cần mọi công cụ trong hộp để có thể làm chậm và cuối cùng là ngăn chặn việc khai thác không bền vững đối với rùa biển và hợp tác là chìa khóa thành công. Tổ chức phi lợi nhuận LAMAVE có trụ sở tại Philippines là một trong trong nhiều tổ chức giúp xây dựng cơ sở dữ liệu ShellBank bày tỏ: “Ở một quốc gia như Philippines với hơn 7.600 hòn đảo và hơn 109 triệu dân, dữ liệu này sẽ giúp tập trung và tối đa hóa các nguồn lực hiện có, đồng thời nâng cao hiệu quả nỗ lực của các cơ quan chức năng quốc gia trong việc chống buôn bán trái phép động vật hoang dã”.

Jensen nói rằng ngoài những đột phá mới về gen, ông còn được khuyến khích bởi các cam kết toàn cầu gần đây nhằm giải quyết nạn buôn bán rùa bất hợp pháp ở cấp độ chính sách. Đầu năm nay, Campuchia, Myanmar, Philippines và Việt Nam đã thông qua kế hoạch hành động khu vực dành riêng cho việc bảo vệ loài này như một phần cam kết của họ theo Công ước về các loài di cư. Trong khi đó, số lượng rùa đồi mồi cạn kiệt đang phục hồi ở Seychelles sau lệnh cấm nghiêm ngặt đối với các sản phẩm từ đổi mồi.

Jensen nói: “Nếu việc buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm làm từ rùa vẫn không được kiểm soát sẽ tiếp tục gây áp lực lên các quần thể nhỏ và dễ bị tổn thương. “Hy vọng rằng các dự án như ShellBank sẽ giúp chấm dứt việc buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm làm từ rùa và mang lại cho quần thể đồi mồi sự bảo vệ mà chúng cần để phục hồi về số lượng.”

Banner: Đồi mồi (Eretmochelys imbricata) bơi qua một rạn san hô ở Vịnh Kimbe, Tây New Britain, Papua New Guinea. Ảnh © Jürgen Freund / WWF

Trích dẫn:

Miller, E. A., McClenachan, L., Uni, Y., Phocas, G., Hagemann, M. E., & Van Houtan, K. S. (2019). The historical development of complex global trafficking networks for marine wildlife. Science Advances5(3). doi:10.1126/sciadv.aav5948

LaCasella, E. L., Jensen, M. P., Madden Hof, C. A., Bell, I. P., Frey, A., & Dutton, P. H. (2021). Mitochondrial DNA profiling to combat the illegal trade in tortoiseshell products. Frontiers in Marine Science7. doi:10.3389/fmars.2020.595853

Source: MONGABAY

CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY

Share on facebook
Share on twitter
Share on email
Share on whatsapp
Share on linkedin
Share on pinterest