Simon Denyer, cố vấn cấp cao của WildAid, đã khởi động một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng lớn ở Cameroon nhằm bảo vệ các loài tê tê có nguy cơ tuyệt chủng. Chiến dịch này do chính phủ Cameroon bảo trợ.
Tại sự kiện được tổ chức vào trước Ngày Tê tê Thế giới tháng trước, Denyer đã trình bày kết quả của hai nghiên cứu do WildAid thực hiện về việc tiêu thụ thịt tê tê ở Cameroon và thái độ đối với động vật hoang dã nói chung. Denyer cho biết trong một cuộc phỏng vấn, nghiên cứu đầu tiên đã khảo sát hơn 400 người tiêu thụ thịt rừng tại các nhà hàng và chợ ở các thành phố Douala và Mbalmayo. Nghiên cứu này đã cho thấy mức độ tiêu thụ thịt tê tê cao đáng lo ngại.
Nghiên cứu “Tìm hiểu về việc tiêu thụ thịt tê tê ở đô thị ở Cameroon” cũng cho biết thêm khoảng 49% người tiêu dùng thịt rừng cho biết họ đã tiêu thụ thịt tê tê trong 12 tháng qua, bất chấp việc chính phủ Cameroon đã cấm giết, buôn bán và tiêu thụ cả ba loài tê tê đặc hữu của nước này vào năm 2017. Denyer cho rằng tỷ lệ đó cao hơn nhiều so với các nghiên cứu tương tự của WildAid được thực hiện ở các nước láng giềng Nigeria và Gabon.
Denyer nói rằng tốc độ phát triển nhanh chóng của các thành phố ở Cameroon và sự phổ biến của thịt rừng đã gây áp lực lên các quần thể động vật hoang dã. Ông cho rằng: “Người dân ở đây đã sống hòa hợp, cân bằng với thiên nhiên trong nhiều thế hệ và điều thực sự quan trọng là phải khôi phục lại sự cân bằng tự nhiên đó, trước khi quá muộn”.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng tài liệu tham khảo về thịt tê tê rất phổ biến ở các thành phố của Cameroon. Người tiêu dùng thịt rừng hầu hết chọn thịt tê tê là loại thịt rừng yêu thích của họ nếu không xét đến vấn đề giá cả. Họ thấy thịt tê tê tươi và lành mạnh hơn thịt thông thường, nhưng lý do phổ biến nhất để chọn thịt tê tê vẫn là hương vị của nó.
Denyer cũng trình bày nghiên cứu thứ hai của ông, được thực hiện với 1.000 người được chọn ngẫu nhiên ở các thành phố Yaoundé, Douala, Bertoua, Ebolowa và Mbalmayo. Số người này không nhất thiết phải là người tiêu dùng thịt rừng.
Nghiên cứu có tên “Thái độ đối với tê tê và động vật hoang dã của cộng đồng công chúng ở thành thị Cameroon” cho thấy nhận thức về luật cấm giết và tiêu thụ tê tê năm 2017 là rất thấp, chỉ 29% người được khảo sát biết về lệnh cấm.
Phát hiện của hai nghiên cứu sẽ định hình chiến dịch của WildAid để thuyết phục người dân thành thị ở Cameroon #NóiKhôngVớiThịtTêTê, Denyer hi vọng. Ông cũng lưu ý rằng nhiều người không nhận thức được các mối đe dọa mà tê tê phải đối mặt, bên cạnh đó nhận thức về vai trò sinh thái quan trọng của chúng cũng còn rất thấp. Tê tê đào các lỗ thông khí cho đất và cũng tiêu thụ hàng chục nghìn con kiến và mối có thể gây hại cho mùa màng mỗi ngày. Nhưng chỉ 55% cư dân thành phố nghĩ rằng tê tê giúp duy trì một môi trường trong lành.
Denyer cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Chiến dịch nhằm mục đích nâng cao nhận thức về luật pháp của Cameroon, cũng như nâng cao nhận thức về các mối đe dọa mà tê tê phải đối mặt và vai trò quan trọng của chúng trong việc duy trì một môi trường trong lành,”
Nhưng ông cũng nhấn mạnh một số phát hiện “đáng khích lệ” trong nghiên cứu. Cụ thể, niềm tự hào về tê tê và động vật hoang dã rất cao: 93% cư dân thành phố cho biết họ tự hào rằng tê tê tồn tại ở Cameroon, 92% cho biết động vật hoang dã có vai trò quan trọng đối với di sản thiên nhiên của Cameroon, 87% bày tỏ tự hào về động vật hoang dã của Cameroon và 92% cho biết nạn phá rừng là một vấn đề nguy hại.
Denyer nói rằng những con số này có thể tạo bàn đạp cho chiến dịch. Ông nói thêm: “Thật sự rất đáng khích lệ khi thấy người dân Cameroon tự hào về động vật hoang dã, cụ thể là loài tê tê.”
Đồng thời, sự ủng hộ việc bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng cũng khá cao: 83% cư dân thành phố cho rằng Cameroon nên cho phép săn bắt các loài động vật hoang dã thông thường nhưng bảo vệ những loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Chiến dịch được phát động với sự hợp tác của Bộ Lâm nghiệp và Động vật hoang dã Cameroon (MINFOF), Bộ Thể thao và Giáo dục Thể chất (MINSEP).
Tê tê ở Cameroon
Có ba loài tê tê – loài động vật có vú có vảy giống thú ăn kiến – chính sống ở nước này. Tê tê bụng đen, tê tê đất (hay còn gọi là tê tê khổng lồ) và tê tê bụng trắng đều đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái mong manh ở Trung Phi.
Chủ tịch của WildAid, Peter Knights OBE, cho biết tê tê đang ngày càng khó tìm thấy ở Cameroon và việc buôn bán thịt rừng bất hợp pháp có thể đẩy chúng đến nguy cơ tuyệt chủng.
Ông nói: “Nếu chính phủ muốn mở rộng du lịch sinh thái như kế hoạch , Cameroon cần phải bảo vệ sự đa dạng sinh học của mình.”
Tiêu thụ thịt rừng không phải là mối đe dọa duy nhất mà tê tê phải đối mặt. Ở Trung Quốc và Việt Nam, vảy tê tê được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền, mặc dù thực tế chúng được làm từ keratin, cùng một chất được tìm thấy trong móng tay người, và hoàn toàn không có giá trị y học được công nhận nào.
Nhu cầu về vảy tê tê trong Y học cổ truyền Trung Quốc đã khiến số lượng tê tê ở châu Á giảm đáng báo động. Hiện nay vảy tê tê đang được buôn bán rộng rãi từ châu Phi sang châu Á. Tê tê hiện được cho là loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới, dù tất cả tám loài đều được bảo vệ cấm buôn bán theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp năm 2017.
Denyer cho biết ông hy vọng việc đánh giá cao tê tê ở Cameroon cũng có thể giúp củng cố quyết tâm của chính quyền trong việc kiềm chế nạn buôn bán vảy từ nước này. Nhưng ông cho rằng điều quan trọng là phải cung cấp các nguồn thu nhập thay thếcho cộng đồng ở vùng nông thôn, đồng thời lưu ý các dự án đang thực hiện để giúp các cộng đồng ở vùng nông thôn nuôi gà giống đặc biệt có thể cung cấp thịt, trứng và thu nhập.
Động vật hoang dã cũng là một nguồn bệnh cần chú ý, đặc biệt là khi bị nhốt gần nhau trong điều kiện không hợp vệ sinh ở các chợ thịt rừng. Với khẩu hiệu “Keep Them Wild, Keep Us Safe” (Tạm dịch: Giữ cho chúng hoang dã, Giữ cho ta an toàn), chiến dịch cũng nhằm nâng cao nhận thức về nguy cơ tiềm ẩn của việc buôn bán thịt rừng trái phép trong việc lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguồn gốc động vật, chẳng hạn như HIV, Ebola, SARS, sốt Lassa, bệnh đậu khỉ và COVID- 19.
Khi được hỏi về khả năng mắc các bệnh lây truyền từ động vật, chỉ 26% cho biết mình nhận thức được mối liên hệ giữa việc tiêu thụ động vật hoang dã với các bệnh như Ebola và HIV. Denyer cho biết ông hy vọng nhiều người nhận thức nhiều hơn về các nguy cơ sức khỏe cũng sẽ làm giảm nhu cầu về thịt rừng.
WildAid đã mời nhiều người nổi tiếng người Cameroon truyền tải thông điệp của mình đến người dân Cameroon, bao gồm các nhạc sĩ hàng đầu Stanley Enouw và LOCKO và một số cầu thủ bóng đá nổi tiếng nhất của đất nước, Rigobert Song, Roger Milla và Patrick Mboma.
Source: NewsAnyway