Những chiêu trò tàn sát thú rừng (Phần 4): Trong thế giới của những “sát thủ rừng xanh”

Tháng tám 7, 2021

Series Phóng sự điều tra: Những chiêu trò tàn sát thú rừng được thực hiện bởi nhóm phóng viên báo Dân Việt nhằm hé lộ cho độc giả những chi tiết bên trong những “phi vụ” săn bắt và buôn bán ĐVHD trái phép của những kẻ chuyên buôn hàng con (thú rừng). Hơn một năm ròng theo sát cũng như tiếp xúc điều tra, các phóng viên đã được tận mắt chứng kiến cả một thế giới khốc liệt, thảm sát hoang thú cùng sự tàn nhẫn và chà đạp lên các quy định pháp luật của những kẻ buôn lậu. 

Xem Bài 3: Xuống chợ phiên, buôn thú rừng tại đây

BÀI 4: TRONG THẾ GIỚI CỦA NHỮNG “SÁT THỦ RỪNG XANH”

Các “sát thủ rừng xanh” với một thế giới có gì đó “lộn ngược” theo nghĩa xót xa nhất. Bất chấp đạo đức và pháp luật, họ tàn sát muông thú đến mức Kiểm lâm VQG Pù Mát vào từng gặp ác lán thợ săn và la liệt những bộ xương, kết quả của những cuộc “thảm sát”.

Vì khỉ, vọoc, vượn bị giết nhiều, xương của chúng cứ lớp nọ đè lớp lớp kia. Có khi họ bắn cả đàn khỉ hoang, bỏ xác của chúng vào những bao tải và ném gói thuốc “rã thịt” vào. Ngâm xuống suối, rồi đi săn tiếp. Vài hôm sau quay lại, lũ khỉ biến thành những bao tải xương sạch bóng. Bán cho người ta nấu cao.

Một thợ săn xã Tam Thái trực tiếp kể với chúng tôi, họ bạt đầu khỉ bất chấp chúng lạy lục van xin. Các “vựa buôn thú” chỉ nghĩ cách làm sao thu gom được thật nhiều xác thú rừng. Tại “lò mổ”, của Trần Gia Ng. ở Tương Dương, khi phá án, công an phải mang máy cẩu vào cẩu 3 cái tủ đông với 500kg thịt thú rừng đi, trong đó có hơn 50 con khỉ. 

Phải chăng, họ đã nhìn các giá trị cuộc sống “lộn ngược” so với phần còn lại của thế giới? Viêng Văn Hằng (xã Tam Quang) đi tù vì bắn voọc, chúng tôi đến thăm, vợ Hằng bế con ra, khóc kể về món thịt khỉ luộc lên ăn mỗi lần chồng đi săn. Nếu không sợ quá lời, có thể nói đó là một sự mông muội đáng trách.

“Núi” vi phạm trưng ra Quốc lộ và bày giữa chợ phiên

Nhìn lại cả một quá trình, với các tài liệu điều tra “ăn sâu bám rễ” của chúng tôi. Có thể thấy: các “chợ phiên” (và mặt trái của nó) bán thú rừng thông thường cần phải được dẹp bỏ, xử lý nghiêm. Bởi, bảo vệ đa dạng sinh học là bảo vệ cả chuỗi sinh thái có quan hệ tương hỗ sống còn với nhau. Đừng nghĩ con này chưa trầm trọng (“mức án” khi vi phạm chưa nặng) như con voọc, con sơn dương hay con tê tê thì… bỏ qua. Thực tế, nhiều con vật hiện nay được bảo vệ đặc biệt (buôn 1 cá thể đã xử lý hình sự) như tê tê. Bao năm trước, chúng là loài bị buôn bán giết hại nhiều bậc nhất trong các loài ở Việt Nam, người ta bắt được rồi hóa giá (tức là giết thịt) hàng xe tải một lúc. Đến giờ, nhờ sự đấu tranh của những người tâm huyết và các tổ chức bảo tồn quốc tế, chúng đã được “nâng tầm bảo vệ”. Cho nên, các loài đang “công khai” bán ngoài chợ phiên như ở bài trước mô tả, chúng sẽ trở thành loài đặc biệt và đi vào “Sách đỏ” trong nay mai cũng là dễ hiểu. Nếu không bảo vệ từ bây giờ, theo đúng quy định luật pháp của ta, thì e rằng tất cả sẽ là… quá muộn.

Chúng ta có Luật, có công ước, đặc biệt có Chỉ thị của Thủ tướng về việc này, ai không làm đúng chức phận, cũng cần bị xử lý nghiêm. Việc này là cấp thiết.

(Ảnh: Báo Dân Việt)

Thủ đoạn “biến thể như virus” của giới buôn “hàng con”

Tất nhiên, nhiều khi, sự ra quân chưa quyết liệt như cần phải có, thì các đối tượng vẫn “an toàn” dưới các mánh khóe, vỏ bọc khá tinh vi hiện nay.

Xin được phân tích.

Chúng tôi đã theo Tím về nhà cô tại xã Tam Thái, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An (như đã mô tả ở bài trước). Lại theo bà Hường, hàng xóm nhà Tím, về với các tủ đông la liệt thú rừng cứng quèo phủ tuyết trắng. Họ đều tiết lộ: hàng “các đối tượng” đi ô tô lấy bên Lào về, rất nhiều. Hàng thợ săn khiêng thứ rừng già ra để bán.

Các tố cáo liên tục gửi đến Vườn Quốc gia Pù Mát và nhóm PV Điều tra Dân Việt, đều cho thấy nội dung khá giống nhau: các “trùm”sau khi có hàng, luôn gửi ở nhiều gia đình tại các bản làng khác nhau để tránh bị bắt giữ quy mô lớn. Bắt giữ nhỏ lẻ một cái đùi nai, một cái đầu sơn dương hay vài con cầy cáo thì thường… cơ quan chức năng ngại làm. Vì phạt hành chính sẽ như phủi bụi so với siêu lợi nhuận từ các đường dây này. Trước đó, các lái buôn đi chợ bên Lào, gom hàng đủ, chở trong xe đông lạnh lớn (trà trộn trong hàng hóa), hoặc có “quan hệ đặc biệt” đi riêng một chuyến bằng xe bán tải.

Vào tháng 10/2020, vụ bắt giữ Nguyễn Cảnh Hiếu (SN 1972, xã Mông Sơn) trên địa bàn huyện Con Cuông với 50kg thú hoang gồm mèo rừng, nhím, cầy.. là ví dụ cụ thể. Hiếu cũng đi xe bán tải kiểu này. Thường thì, từ bên kia biên giới về, chúng dùng chăn, chiếu, bao tải cuốn “hàng rừng” vào để tránh bị phát hiện. Chúng cũng thuê người khiêng theo “đường tiểu ngạch” trong đêm. Người bản địa tham gia chở hàng rừng, tiết lộ với nhóm PV: thường họ đi chở măng khô, mọc nhĩ qua trạm gác nhiều lần để cơ quan kiểm soát quen mặt đã, khi nào an toàn, lễ lạt, tết nhất, đêm khuya vắng mới đi hàng rừng….

Tinh vi hơn, các đối tượng “trùm sò” tố cáo triệt hạ lẫn nhau để giành lãnh địa. Có người 3 lần đi tìm lực lượng kiểm lâm để tố cáo. Chúng tôi và lãnh đạo VQG Pù Mát vào cuộc, thì họ giăng một thiên la địa võng theo dõi ngược lại. Yêu cầu xe chúng tôi phải dừng ở đâu, người của họ đứng ở đâu để họ đón, số người còn lại và xe của chúng tôi phải đi chỗ khác. Lúc ngồi quán cà phê thì chúng tôi cầm điện thoại ở tay, từ nhà sàn cách đó cả trăm mét họ vẫn dùng ống nhòm nhìn thấy và đề nghị “các anh phải cất điện thoại”.

Chúng tôi gọi món gì, anh ta cũng nhắn tin mô tả, khiến ai đó lạnh gáy kiểu như mình đang là nhân vật sắp bị bắn tỉa với một tay súng trong… phim hành động Mỹ vậy. Các đối tượng lập những nhóm kín trên mạng xã hội, giao dịch tinh vi, tiền chuyển khoản cho số tài khoản không phải của “chủ hàng”, lúc giao cũng bịt mặt, đứng ở ngã ba đường và người giao thì chỉ là shipper chưa ai hỏi đã leo lẻo “chúng tôi vô tội”, “chúng tôi không biết gì cả”. (Chúng tôi đã “dẫn đường” để Công an tỉnh Nghệ An vào tận hiện trường khu vực này lập chuyên án).

Đem hàng về nội địa, họ tiếp tục phân tán, cất giấu ở rất nhiều tủ đông khác nhau. Khi có dấu hiệu bị điều tra, lại xé lẻ ra thêm nữa. Thậm chí ném tất ra sân, ra vườn, coi như con chó, con bò thui rơm ai đó vứt bỏ lăn lóc. Kể cả nó là con hổ, con nai rừng thì tôi cũng chẳng biết ai vứt ở đó, nó “nỏ” (không) phải là của tôi. Chả ai làm gì được. Khi các nhóm thợ săn đi rừng về, ra đến khu có sóng điện thoại là họ gọi cho các đầu nậu, ai mua là nửa đêm ship đến tận nhà..

Thường thì hàng rừng đến nhà buôn hoặc bàn ăn của người tiêu dùng, nó phải qua bốn cấp mua đi bán lại. Thợ săn được đầu nậu thu gom chăm sóc, đặt hàng, thậm chí đầu tư tiền, gạo nước, súng ống và cả sự “bảo kê”. Khi có “hàng rừng” là đại lý cấp 1 tại thôn bản hoặc tại xã này gom lại, giết mổ, chụp ảnh, “báo cáo” với các đại lý, các chủ đường dây “chân rết”. Cấp nào “có cửa” của cấp ấy, dù muốn cũng không dám qua mặt nhau.

Vận chuyển hàng ra khỏi địa bàn, trước đây có một số nhà xe (như xe Tr.Tr) vô tư nhận thùng xốp đông lạnh. Họ nghĩ là họ vô tội vì “tôi là shipper”. Song, gần đây, cơ quan chức năng “siết” quản lý các nhà xe chở khách bắt đầu biết sợ. Chủ buôn tiết lộ: một số nhà xe bắt đầu đồng ý vận chuyển các con vật “thông thường” hơn như lợn rừng, dúi rừng, cầy cáo, chứ không dám vận chuyển voọc, sơn dương, tê tê hay gấu, hổ… Tuy nhiên, với các “xe riêng”, “vận chuyển hàng đắt tiền cho người tin tưởng” ai đặt cái gì đều có cái đó.

Kế hoạch “xử đẹp” người đặt hàng 

Bên cạnh nhà Tím là nhà bà Hường với các tủ đông cùng vô số thịt rừng các loại. Có lần, một nhà hàng ở thị trấn Hoà Bình (huyện Tương Dương) đặt vài loại thú rừng. Con bà dùng xe máy chở gần 30kg thịt thú rừng cho họ. Dọc đường bị công an bắt với tang vật là 15kg. “May mà 15kg khác, con chị đã nhanh trí vứt ra ngoài rệ sông Lam”, bà này kể. Con bà bị gọi hỏi lấy lời khai nhiều lần. 

Sau đó vì đoán là nhà hàng kia đã “thông đồng” với cơ quan chức năng để chơi đểu nên con bà Hường bèn gọi một nhóm bạn là dân xã hội chạy xe khách đường dài để tính chuyện “xử đẹp”. Chúng tôi (nhà báo hoá trang) và nhiều người lăn xả vào khuyên răn, nên “trọng án” đã không xảy ra. 

Ăn thịt thú rừng để…chữa hen?

Muốn biết các chủ buôn trong khu vực cửa rừng già này làm ăn to thế nào, xin hãy nghe lại chuyện về ông Trần Gia Ng., SN 1956 và là chủ hiệu “Tạp hóa”(láng giềng của Tím và bà Hường) ở bản Lủng (gần như đối diện với UBND xã Tam Thái). Khi cơ quan chức năng ập vào kiểm tra đã thu giữ tới nửa tấn thịt động vật hoang dã ở thời điểm kiểm tra.

Xin thưa, với thủ đoạn xé lẻ hàng, giấu trong các tủ đông rải rác ở nhiều thôn bản, với sự trầy bửa vi phạm nhiều lần và tái phạm liên tục của các đối tượng, thử hỏi: lượng hàng mà ông Ng. và Tím, rồi bà Hường (“các sát thủ rừng xanh”) buôn một tháng là… bao nhiêu? Tài liệu của công an ghi rõ: kiểm tra tủ trong cơ sở kinh doanh tạp hóa nhà ông Ngũ, có 51 con khỉ (!) đã bị giết thịt, 2 con khỉ sống chờ hành quyết; 12 con cầy, trong đó 4 cầy bay đặc biệt quý hiếm, 1 con mèo rừng và nhiều chân lợn rừng. Nhiều nguồn tin uy tín khẳng định, ông Ng. giờ vẫn ngựa quen đường cũ, y như Tím và bà Hường.

Một số thợ săn, khi tiếp xúc với chúng tôi, cho xem súng săn tự chế, tiết lộ cách mua súng săn hiện đại qua mạng xã hội và vận chuyển xe khách đến tận nhà. Họ kể, đi săn cả báo, beo, nai, hươu, voọc, khỉ, mèo rừng, lợn rừng. Họ rình ngược lại cơ quan chức năng, cho người canh gác, ngửi mùi khói nấu nướng, xem độ đục của nước suối để phát hiện các lực lượng tuần tra bảo vệ rừng. Thợ săn đi cả tuần trong rừng, khiêng gấu về bán vài chục triệu; con beo lửa bán bốn chục triệu đồng cho đầu nậu. Có khi, họ tin mù quáng vào khả năng trị bệnh và bổ béo của óc con khỉ đang sống, ăn sống. Ở trong rừng, bắt khỉ, họ chặt bay chỏm xương sọ khỉ rồi múc óc ăn. “Con khỉ nó chắp tay lạy mãi, em tháo bẫy định thả nó. Song thằng bạn bảo, phải ăn, để nó chữa hen (?). Thế là,em với nó ăn”, Q. – một thợ săn, gia đình chuyên cung cấp hàng rừng, kể trong cuộc mời chúng tôi đến nhà xem hàng và nhậu nhẹt ở xã Tam Thái.

Từ mèo rừng, cầy bay (vật trong sách đỏ), đến chồn gấu (to hơn chục ký lô), cầy hoa quả, lợn rừng, nai, hươu, hoẵng, khỉ, voọc xám… Nói không ngoa, nghe các ông bà chủ nói về các loài động vật rừng và động vật rừng quý hiếm mà họ rao bán rồi đòi “tiền trao cháo múc” ngay, có lúc băn khoăn tự hỏi: họ đang kể về một “vườn bách thú” trong tủ đông nhà họ chăng?

“Nhiều loài, bọn em chán không ăn, cũng chả có sức mà mang về, nướng ăn vài miếng rồi vứt bỏ. Có lần cõng hai ngày mới đem được con gấu, cõng 4 ngày mới mang được con beo (vài chục ký lô) về bán. Anh mà đi săn như bọn em, đi nhiều ngày, qua nhiều dãy núi, đi giáp biên giới Việt – Lào, đi trong mưa rừng kinh khủng. Thì anh sẽ hiểu bọn em vứt bỏ hết những con thú dính bẫy mà bán được ít tiền ra sao”, thợ săn kể.

Liên tục các cuộc bắt, xử lý, tịch thu hàng, nói thật, các chủ buôn chẳng giàu có gì. Họ là “sát thủ rừng xanh” thật sự, dù trực tiếp hay gián tiếp. Những ngôi nhà như vườn thú, có điều con vật nào nằm trong tủ đông chờ… lên mâm hoặc vào vạc lửa nấu cao. Thợ săn đi rừng và bị xử tù vì sự ra quân nghiêm khắc của các lực lượng tuần rừng thế hệ mới.

Cùng anh Hoàng Hữu Sơn, kiểm lâm VQG đến bản Liên Hương, xã Tam Quang, huyện Tương Dương, thăm gia đình hai đối tượng bắn voọc xám và đi tù cách đây chưa lâu, thấy vợ con họ nheo nhóc đến đắng lòng. Viêng Văn Hằng, trụ cột gia đình, lĩnh án 4 năm tù vì bắn voọc, để lại cô vợ dại mới 14 tuổi đầu và đứa con ẵm ngửa. Bố già nằm sống thực vật ở góc nhà sau tai biến. Tôi chụp bức ảnh mẹ Hằng bệnh tật run cầm cập ngồi bên bếp lửa leo lét, có con chó ảo não nhìn bâng quơ.

Các cụ bảo, ăn của rừng, rưng rưng nước mắt là vì thế!

Nguồn: Báo Dân Việt 

 

CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY

Share on facebook
Share on twitter
Share on email
Share on whatsapp
Share on linkedin
Share on pinterest