Mới đây, Tòa án nhân dân huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) đã tuyên phạt đối tượng Đinh Minh Tính (trú tại thôn Yên Nhất, xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa) mức án 12 tháng tù về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Trước đó, ngày 17/06/2022, Công an huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) đã tiến hành kiểm tra, bắt giữ Định Minh Tính khi đối tượng này đang vận chuyển ba chiếc móng gấu ngựa (Ursus thibetanus) đi tiêu thụ.
Theo thông tin ghi nhận tại cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), đối tượng Đinh Minh Tính đã thường xuyên đăng tải bài viết quảng cáo, rao bán các cá thể hổ con, móng gấu, mật gấu, móng hổ, nanh hổ, ngà voi và nhiều sản phẩm từ động vật hoang dã khác trên các trang mạng xã hội từ năm 2020 cho đến thời điểm bị bắt giữ.
Mặc dù đã từng bị cơ quan chức năng địa phương cảnh cáo về hành vi vi phạm pháp luật, đối tượng vẫn thể hiện thái độ thách thức và tiếp tục tạo mới các tài khoản mạng xã hội khác nhau trên các trang Facebook, Zalo, YouTube mỗi khi các tài khoản cũ bị báo cáo và xóa bỏ. Tính đến thời điểm bị bắt giữ, đối tượng đã sử dụng tổng cộng 19 tài khoản mạng xã hội để quảng cáo, buôn bán ĐVHD trái phép.
Nỗ lực truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng mức hình phạt thích đáng cho hành vi phạm tội của đối tượng Đinh Minh Tính cho thấy quyết tâm cao của các cơ quan chức năng huyện Minh Hóa trong công tác đấu tranh với các đối tượng quảng cáo, buôn bán ĐVHD trên Internet.
Trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm về ĐVHD trên không gian mạng tại Việt Nam vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng ba quý đầu năm 2022, Cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD của ENV đã ghi nhận 2.600 vụ việc vi phạm về ĐVHD, trong đó chiếm tới 52% là các vụ việc vi phạm trên Internet (với 1.326 vụ). Một số nền tảng mạng xã hội thường ghi nhận các vi phạm như Facebook, Zalo, YouTube, TikTok.
Lợi dụng sự thuận tiện của Internet (dễ dàng chào hàng, thỏa thuận mua bán với khách hàng, sử dụng được nhiều tài khoản ảo ẩn danh gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác điều tra), nhiều đối tượng đã ngang nhiên quảng cáo, rao bán trái phép ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm là “hàng cấm” theo quy định của pháp luật. Mặc dù hầu hết các đối tượng đều nhận thức được sản phẩm mình đang rao bán là hàng cấm nhưng lợi nhuận cao cùng mức độ rủi ro thấp đã thúc đẩy các đối tượng xâm hại đến các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm để thu lợi bất chính.
Trong thời gian vừa qua, ENV cũng đã ghi nhận nhiều hình phạt nghiêm khắc với các đối tượng buôn bán ĐVHD trên Internet. Bên cạnh những mức phạt hành chính cao cho hành vi quảng cáo ĐVHD là “hàng cấm” trên mạng xã hội, nhiều đối tượng buôn bán ĐVHD trên Internet cũng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự sau khi bị phát hiện có hành vi vận chuyển, buôn bán ĐVHD và sản phẩm, bộ phận của ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trái phép.
Ngày 30/09/2022, Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tuyên phạt đối tượng Đặng Văn Tường mức án 30 tháng tù về hành vi buôn bán trái phép sừng tê giác, nội tạng hổ. Trước đó ENV đã ghi nhận đối tượng Tường thường xuyên quảng cáo, rao bán trái phép động vật hoang dã trên mạng xã hội từ tháng 01/2022.
Ngày 19/01/2022, Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh) cũng đã tuyên phạt đối tượng Lý Hải Thọ mức án 24 tháng tù về hành vi tàng trữ trái phép 01 cá thể hổ đông lạnh, 01 tiêu bản đầu gấu và 01 tiêu bản đầu hổ. Từ tháng 04/2022, cơ quan chức năng đã bắt đầu ghi nhận hành vi quảng cáo, rao bán động vật hoang dã trái phép trên Internet của đối tượng.
Theo Môi trường và Đô thị