Tê tê và Y học cổ truyền tại Việt Nam

Tháng ba 1, 2024

Tê tê, loài động vật bí ẩn với lớp vảy cứng cỏi và hành vi tập tính còn nhiều bí ẩn, từ lâu đã trở thành một phần của văn hóa châu Á, đặc biệt là trong lĩnh vực y học cổ truyền. Tuy nhiên, số phận của loài này đang trong tình trạng nguy hiểm khi nhu cầu tiêu thụ thịt và vảy tê tê tiếp tục tăng, chủ yếu là do những lời đồn thổi sai lệch về “đặc tính chữa bệnh” của tê tê.

Vảy tê tê và Y học cổ truyền

Tê tê – loài động vật có vú độc đáo được bao phủ bởi vảy sừng, rất cần thiết cho hệ sinh thái với vai trò là loài ăn côn trùng. Nhờ có tê tê mà số lượng quần thể kiến và mối được kiểm soát. Tuy nhiên, chính lớp “áo giáp” phòng vệ đó lại trở thành điểm yếu của tê tê. Ở Việt Nam và nhiều nước Châu Á, vảy tê tê được cho là có công dụng chữa nhiều loại bệnh như tắc tuyến sữa, thấp khớp và sưng tấy.  Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng khoa học cho những lời đồn thổi vô căn cứ này.

Vảy tê tê vẫn được sử dụng phổ biến, đặc biệt là trong Y học cổ truyền

Việt Nam, một quốc gia có di sản văn hóa phong phú, cũng là quốc gia đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo tồn hệ sinh thái: số lượng tê tê, loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới đang suy giảm. Thực trạnh này một phần xuất phát từ nhu cầu sử dụng vảy tê tê trong Y học cổ truyền. Mặc dù những hoạt động này có ý nghĩa về mặt truyền thống, nhưng chúng lại là mối đe dọa đáng kể đối với sự sống còn của tê tê. Bởi hành vi này có thể đẩy loài tê tê đến bờ vực tuyệt chủng.

Nhu cầu sử dụng vảy tê tê

Nhu cầu vảy tê tê ở Việt Nam còn xuất phát từ nhiều yếu tố khác. Trước hết phải kể đến là Y học cổ truyền. Y học cổ truyền giữ một vị trí quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người Việt, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn. Người hành nghề thường kê đơn cân tê tê dựa trên kinh nghiệm cá nhân và những vị thuốc lâu đời nhưng chưa được chứng minh. Ở những vùng sâu vùng xa, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiêu chuẩn có thể bị hạn chế, khiến người bệnh phải dựa vào các phương pháp điều trị truyền thống như Y học cổ truyền.

Có nhiều nguyên nhân vảy tê tê bị săn lùng.

Một số nguyên nhân khác cũng bao gồm việc lan truyền thông tin sai lệch và người dân thiếu nhận thức. Điều này xuất phát từ việc người dân thường thiếu kiến thức về tác động bất lợi của việc tiêu thụ tê tê đối với cả hoạt động bảo tồn động vật hoang dã và sức khỏe con người. Tất cả những điều này khiến cho vảy tê tê và các sản phẩm từ tê tê khác lại càng có giá trị kinh tế cao hơn. Việc buôn bán bất hợp pháp vảy tê tê mang lại lợi nhuận cao, thúc đẩy các mạng lưới tội phạm và khiến việc thực thi trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Hậu quả khôn lường của việc tiêu thụ tê tê

Hậu quả của việc tiêu thụ tê tê làm thuốc y học cổ truyền thực sự rất tàn khốc. Cả tám loài tê tê đều được liệt kê là loài dễ bị tổn thương hoặc cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ của IUCN, chủ yếu do nạn săn bắt trái phép để lấy vảy tê tê. Việt Nam đóng vai trò là điểm nóng trung chuyển cho hoạt động buôn bán tê tê bất hợp pháp, phần nào làm suy giảm quần thể tê tê trên khắp châu Á. Không chỉ vậy, việc mất đi tê tê còn làm gián đoạn chuỗi thức ăn tự nhiên, khiến quần thể côn trùng gia tăng không kiểm soát và có khả năng gây hại cho cây trồng trong nông nghiệp. Ngoài ra, tê tê còn có nguy cơ là vật chủ, chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm cho con người như SARS-CoV-2, làm dấy lên mối lo ngại về khả năng lây lan các bệnh từ động vật sang người khi hoạt động buôn bán động vật hoang dã vẫn tiếp diễn.

Chống lại việc tiêu thụ vảy tê tê

May mắn thay, nhiều nỗ lực khác nhau đang được tiến hành để giải quyết vấn đề tiêu thụ vảy tê tê. Các chiến dịch giáo dục nâng cao nhận thức được triển khai để phổ cập thông tin về tê tê, và phản bác những lời đồn thổi về công dụng “trị bách bệnh” liên quan đến vảy tê tê. Nhiều chiến dịch cũng đề cập đến những mối nguy hại về môi trường và đạo đức liên quan đến việc tiêu thụ tê tê. Bên cạnh đó, những nỗ lực để tương tác với những người hành nghề y học cổ truyền cũng đã được triển khai. Sự hợp tác với những người hành nghề y học cổ truyền là vô cùng cần thiết để nghiên cứu các lựa chọn thay thế hiệu quả cho vảy tê tê, thúc đẩy việc sử dụng các thành phần có nguồn gốc từ thảo dược và các biện pháp thay thế một cách khoa học. Ngoài ra, việc tăng cường các nỗ lực thực thi pháp luật, bao gồm tăng cường tuần tra và hình phạt nghiêm khắc hơn, cũng rất quan trọng để ngăn chặn các mạng lưới buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Cả tám loài tê tê đang đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng.

Tương lai của tê tê ở Việt Nam phụ thuộc vào nỗ lực chung nhằm chuyển hướng từ việc sử dụng vảy tê tê sang những biện pháp thay thế trong Y học cổ truyền. Bằng cách thúc đẩy Y học cổ truyền dựa trên những tiên tiến trong khoa học hiện đại, cùng với việc nâng cao nhận thức và chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, chúng ta có thể bảo vệ loài tê tê và đảm bảo một tương lai bền vững cho cả con người và động vật hoang dã.

Mời bạn đọc xem thêm về báo cáo Loài tê tê và quan điểm của người hành nghề Y học cổ truyền dưới đây.

CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY

Share on facebook
Share on twitter
Share on email
Share on whatsapp
Share on linkedin
Share on pinterest