Thế giới ngầm ranh mãnh của những trùm buôn hổ

Tháng tám 3, 2022

Trên “chợ đen”, nuôi một cá thể hổ đến lúc trưởng thành rồi đem đi bán, người ta có thể thu lợi cả tỷ đồng; một lạng cao hổ giá từ 25 đến 35 triệu đồng, tùy “chất lượng”. Giá sản phẩm phi pháp này bị thổi lên cao ngất như vậy, nên các trùm nuôi nhốt, buôn bán hổ trái phép bất chấp lời kêu gọi của đạo đức, bất chấp các án tù nghiêm khắc, cứ lao vào như thiêu thân.

Luật của Việt Nam về lĩnh vực này ngày càng nghiêm minh, nhiều vụ giết hổ, nấu cao hổ bị bắt giữ – có vụ, mức án lên tới cả chục năm tù. Lại thêm dịch COVID-19 hoành hành mấy năm nay, các đối tượng, có khi rút vào hoạt động ngầm trên không gian internet, mạng xã hội; có khi tự “nâng tầm” mình lên với các thủ đoạn tinh vi chưa từng thấy. “Thế giới ảo” buôn hổ, nó như một biến thể tinh ranh của virus trước các kháng thể và vaccine của chúng ta vậy.

Cược bằng ngôi nhà và những mạng sống

Thủ đoạn của cánh buôn hổ con, nuôi hổ trái phép, vận chuyển buôn bán và nấu cao hổ ở Việt Nam hay từ nước ngoài về Việt Nam thì đều khá giống nhau. Ấy là sử dụng mạng xã hội, internet một cách rất tinh vi. Lúc nhiều nền tảng mạng xã hội chưa “quét” mạnh các hình ảnh giết chóc, phơi xác, xả thịt, máu me rồi các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, thì họ “bày bán trên thế giới ảo” tràn lan. “Chợ ảo” nhưng chết chóc mà hổ và nhiều loài thú quý hiếm gánh chịu là rất thật.

Họ không gặp mặt trực tiếp các đối tượng giao dịch, khi gọi điện thoại hay chat qua các ứng dụng, bao giờ họ cũng yêu cầu phải cho biết “mật khẩu”, ai đã giới thiệu. Tên, tuổi, địa chỉ, gương mặt, tài khoản facebook, zalo của người giới thiệu đâu? Họ đề phòng bị hóa trang giao dịch để điều tra, bắt giữ.

Da hổ rao bán trên “chợ ảo”

Đến lúc giao dịch, họ cũng cho shiper (người vận chuyển) mang hàng tới, giả dụ bị tóm, cũng chỉ là mắt xích.. chở thuê “không biết trong túi có hàng gì”.

“Một cái lông hổ cũng không đi qua biên giới được, nếu không…”

Các đối tượng liên tục nấu cao hổ và bán, thu về siêu lợi nhuận, vậy, làm sao họ nhập hàng, xuất hàng, phát triển mạng lưới mà không bị theo dõi, bắt giữ, xử lý?

Họ nuôi hổ bên Lào, thậm chí nuôi hổ ở châu Phi (trùm người Việt) rồi nấu thành cao mang về qua đường hàng không, giới thiệu với hải quan là… thạch rau câu (jelly: thạch, tiếng Anh). Món thạch này dân chúng tôi ai cũng mê, “ăn” ngon lắm. Các chú hải quan cứ ngơ ngác: “Người Việt thích ăn thạch đến thế sao!”. Đó là một cách lách luật khiến bất cứ ai cũng phải bất ngờ, nhưng nó là sự thật mà người viết bài này đã chứng kiến, điều tra, các đối tượng đã bị bắt giữ theo đúng nghĩa.

Về đường bộ, hổ nuôi trang trại ở Lào, cho ăn gà lợn thải loại từ các trang trại, hoặc thịt gia súc gia cầm chết vì dịch bệnh, hay thịt từ các sạp bán buôn thừa ế không biết vứt đi đâu. Hổ các phân loài ở lẫn lộn, giao phối cận huyết bừa phứa. Thế nên, nguồn cung cấp hổ con cho các làng nuôi hổ trái phép ở Việt Nam hầu hết là từ Lào, một số từ Thái Lan.

Làm sao để cõng hổ lớn, hổ bé vượt biên vào Việt Nam? Thứ nhất, biên giới nhiều trăm cây số chiều dài, dọc nhiều tỉnh thành, chỗ nào thì người “cõng” hổ (và nhiều loài hoang dã) cũng có thể “nhập cảnh trái phép” được. Nhất là khi họ chỉ cõng riêng bộ da và xương hổ thôi, những thứ còn lại bỏ hết. Thứ hai, video, ghi âm và các bài điều tra công phu của các phóng viên uy tín đã công bố, đều mô tả: có bằng chứng về việc, một số người đã “làm ngơ” cho việc đem hổ vào Việt Nam. Số khác, họ mang hổ từ Indonesia, Thái Lan, Brunei về Việt Nam bằng đường biển.

Việc nuôi hổ cũng diễn ra hết sức tinh vi. Họ đào hầm tối, đóng kín bưng, giấu kĩ cả vô số tiếng hổ gầm trong lãnh địa dưới lòng đất. Rồi xé lẻ các phiên chợ mua thịt bò, thịt gà về cho đàn hổ.

Trưng bày tiêu bản hổ trái phép một cách công khai

Thường thì họ mang hổ đông lạnh đi nấu cao khắp nơi. Mang từ nước ngoài về chứ ít vận chuyển hổ nguyên con, vì có thể nó gầm gừ kêu gào dễ lộ. Nuôi nấng “ông ba mươi” dọc đường cũng vất vả và nguy hiểm. Thế nên, giá hổ tươi nguyên con bao giờ cũng cao hơn nhiều so với hàng đông lạnh. Khi vận chuyển họ gây mê hổ, lúc giao hàng, họ làm cho “Chúa Sơn Lâm” tỉnh cho khách xem vài phút, sau đó hổ bị chích điện mê man rồi giết ngay. Họ ném xương hổ vào vạc lửa 7 ngày đêm. Hổ bị giết, bỏ hết thịt và nội tạng, chỉ lấy nguyên bộ xương thả vào bộ da nguyên chiếc của chúng khi vận chuyển. Như thế gọi là hàng “áo tơi”. Bộ da như cái áo đi mưa trùm ra ngoài bộ xương không thiếu một chi tiết nào, từ ngón “chân, tay” đến bộ phận quan trọng nhất là cái bánh chè hổ (xương đầu gối) có hình mắt phượng (lỗ tròn nhìn xuyên qua được). “Mắt phượng” vẫn được người ta coi là “chứng chỉ” nhận diện cho cam kết: bộ xương đó là của loài hổ, chứ không loài nào khác.

Lúc làm ăn to và quen mối, các đối tượng ít khi yêu cầu có cả da, đầu, lông hổ. Mà họ chỉ cần bộ xương đã làm sạch để nấu cao thôi. Họ cũng biết thịt hổ ngậm toàn hóa chất vận chuyển xuyên quốc gia nên họ ít ăn. Vả lại, khi bắt được bộ xương hổ bị buôn bán sử dụng trái phép, cơ quan chức năng cũng khó, cũng ngại xử lý – nếu không có các “tín hiệu nhận biết quan trọng” là đầu, da, lông hổ đi kèm. “Nếu bị bắt mà chỉ có mỗi nồi xương hổ hoặc xương đã nấu nhuyễn, không có da, đầu hay chân hổ, thì tôi đã an toàn tới 80%”, Tâm “hổ”, bà trùm buôn hổ ở Cao Bằng tiết lộ mánh khóe.

Các đối tượng lợi dụng điều trên nên có khi chỉ mang lục cục ít xương giấu trong bao tải, gọn nhẹ, khá an toàn. Là xong cả một phi vụ tiền tỷ.

“Cao hổ… lốn” gồm hóa chất, phụ gia độc hại và chất kích thích

Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là: dùng video, ảnh đưa lên các hội nhóm trên mạng xã hội để bán hàng. Họ thường bán vài loài hoang dã rẻ tiền, hoặc bán vài sản phẩm như da hổ, da “tay, chân” hổ, móng, nanh hổ. Rồi dần dà gạ gẫm trò chuyện để bán hổ nguyên con. Họ coi các “gian hàng” ảo kia là nơi thăm dò khách, lọc dần các khách khả nghi. Đặc biệt, họ sưu tầm video giết hổ, nuôi hổ trong khu hoang dã nào đó, hình ảnh ai đó đang nấu cao hổ sình sịch đêm ngày, cả sàn nhà vằn vện toàn hổ bị giết… để tạo niềm tin về một đường dây to lớn, quan trọng, hàng xịn.

Họ phát triển mạng lưới qua cách rỉ tai nhau, gửi hình ảnh qua mạng xã hội là tôi sắp nấu một con hổ, ai chung tiền thì đến nhậu 7 ngày đêm mà canh nồi cao “xịn”…. Cứ thế, tin đồn lan truyền… Họ cũng bôi đất đỏ vào chân vào móng hổ, làm giả vẻ hoang dã cho đàn hổ nuôi, thậm chí họ phao tin là hổ trang trại nhưng nó bị bỏ sót trong khu bán hoang dã vài chục năm rồi thành thử “hàng chất lượng cao”… y như hổ hoang.

Người nào nhẹ dạ sẽ mắc bẫy mà mua hàng từ các trang mạng đó. Thứ “cao hổ cốt” họ mua về có thể là cao nấu từ xương trâu, bò, ngựa, chó, lợn, rồi thả thêm thuốc phiện hay chất kích thích, tân dược giảm đau khác. Thứ nhất là để cho nồi cao nó rẻ. Thứ hai là các chất kích thích, tân dược (cả thuốc phiện) sẽ làm người dùng thấy phấn chấn, hăng tiết vịt một cách khó hiểu. Để rồi họ nghĩ cao hổ quá xịn và phát huy tác dụng trứ danh. Thật ra, ngay cả cao hổ thật đi nữa, thì cũng là hổ nuôi trong ngục tối, suốt đời “ngài” chưa thấy ánh mặt trời, cơ thể tẩm toàn hóa chất khi chăm sóc, khi giết mổ cấp đông và vận chuyển. Nên, cao đó uống là độc hại.

Thủ thuật của các đối tượng là luôn tạo ra… huyền thoại “chúa sơn lâm”, dù các “ông bà” hổ chưa bao giờ đủ già để gọi là “ông”, “ngài”, cũng chưa bao giờ trông thấy rừng.

Chưa hết, sau khi giết mổ, hổ đều được cho ngậm chất bảo quản, ngậm các loại dung dịch giữ màu, giữ mùi. Xương hổ, còn được bơm dung dịch vào tủy sống, thả thêm các loại nước sệt và bột / thạch cao giả xương tủy hổ…để tăng cân. Khi nấu cao, họ bỏ xương chó, xương lợn, thuốc phiện, tân dược, mai rùa, toàn hàng không rõ nguồn gốc vào.

Cao hổ và da hổ.

Tân dược rẻ nhất, họ cứ thả vài viên thuốc kháng viêm vào nồi cao; kèm theo ít thuốc phiện, khách uống có cảm giác phê. Dần dà, nhiều khách “nghiện” cao hổ, bỏ cả núi tiền phục vụ đám con buôn “hổ cốt rởm”; mà không biết, mình đang có dấu hiệu tiền mất tật mang. Thứ nữa là bã vôi trắng nhờ. Bỏ vào nồi cao hổ, nhằm tăng trọng lượng, lại tạo chất màu trắng lắng đọng ở cốc rượu pha “cao hổ”, khiến khách ồ à tâm đắc nghĩ: đúng cao xịn, uống nó phải “kết tủa màu trắng” (như dân gian truyền tụng) thế này chứ! Mục đích là tăng số lượng cao từ một bộ xương hổ, qua việc “độn đủ thứ”. Bởi mỗi cân cao hổ, giá chợ đen đến hơn 300 triệu đồng.

CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY

Share on facebook
Share on twitter
Share on email
Share on whatsapp
Share on linkedin
Share on pinterest