Việc bàn giao cho Nam Phi các mẫu sừng tê giác từ các vụ bắt giữ cho thấy trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực thi công ước CITES.
Ngày 1/6/2021 vừa qua, Đại diện Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam – Tổng cục Lâm nghiệp cùng Viện Sinh thái và Tài nguyên đã tổ chức bàn giao 56 mẫu ADN sừng tê giác cho Đại sứ quán Nam Phi tại Hà Nội. Trước đó, Việt Nam cũng đã tổ chức bàn giao 5 lần các mẫu ADN sừng tê giác thu được từ các vụ bắt giữ cho Nam Phi.
“Việc bàn giao các mẫu vật sừng tê giác cho Nam Phi thể hiện trách nhiệm thực thi Công ước CITES tại Việt Nam, trong đó có Nghị quyết 9.14 về bảo tồn thương mại mẫu vật tê giác châu Á và châu Phi. Việc làm này cũng đồng thời thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Cộng hoà Nam Phi trong việc thực thi cam kết chống lại nạn buôn bán ĐVHD trái phép” – ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp, cho biết.
Các mẫu vật sừng tê giác được thu giữ từ các vụ án bắt giữ nhập khẩu và buôn bán trái phép sừng tê giác vào Việt Nam. Việc bàn giao các mẫu vật ADN tại Việt Nam cũng như các quốc gia bắt giữ khác cho quốc gia có tê giác phân bố như Nam Phi sẽ góp phần hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp lý của cả hai bên có thể truy xuất nguồn gốc của các mẫu vật, đồng thời hỗ trợ truy vết và điều tra những kẻ có liên quan đến chuỗi cung ứng bất hợp pháp về sừng tê giác.
Những năm gần đây, nạn nhập khẩu và buôn bán sừng tê giác tại Việt Nam đang có dấu hiệu gia tăng trở lại, khi hàng loạt các vụ buôn lậu với quy mô lớn đã được các cơ quan chức năng điều tra và bắt giữ. Nổi bật nhất trong đó là 2 đường dây buôn bán sừng tê giác đã bị triệt phá tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất và tại Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn. Tổng số tang vật sừng tê giác thu giữ được từ 2 vụ bắt giữ trên lần lượt là 93kg và 7,8kg, với giá trị các lô hàng ước tính lên tới vài chục tỉ đồng.
Theo Bnews