Việt Nam ta quả thật là “thiên đường” cho nhiều loài chim trời với những khu rừng nhiệt đới ngoạn mục, những ngọn núi cao hùng vĩ và các vùng đất ngập nước rộng lớn. Hơn 900 loài chim đua nhau khoe sắc, góp phần làm đa dạng các hệ sinh thái của đất nước. Từ tiếng hót vang vọng khắp rừng của hồng hoàng cho đến những điệu múa uyển chuyển của sếu ở các vùng đất ngập nước.
Tuy nhiên, bức tranh rực rỡ này đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng. Chính những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, điển hình là quá trình đô thị hóa và phát triển nông nghiệp, cùng với các yếu tố khác như buôn bán động vật hoang dã đang đe dọa số lượng cá thể chim trời tại nước ta.
Chim trời tại Việt Nam
Việt Nam ta có sự đa dạng sinh học về chim trời thuộc “hàng top” Châu Á. Từ loài Nuốc bụng đỏ (Harpactes erythrocephalus) oai vệ với bộ lông rực lửa, cho đến loài Sẻ thông họng vàng (Chloris monguilloti) bí ẩn chỉ xuất hiện tại Đà Lạt, mỗi loài chim trời đều đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, nhiều loài đang đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng. Chẳng hạn như loài Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), một “báu vật quốc gia” với bộ lông xanh óng ánh và lông đuôi dài lộng lẫy đang bị đe dọa tuyệt chủng, chính là lời nhắc nhở rõ ràng về sự tồn vong của các loài chim độc đáo tại Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam còn là điểm dừng chân quan trọng của các loài chim di cư như chim cắt Amur (Falco amurensis), loài chim trời với một trong những cuộc di cư dài nhất trên Trái Đất. Những “kẻ lữ hành” này dường như là điểm kết nối nhiều hệ sinh thái trên các châu lục. Do đó, các loài chim trời tại Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng toàn cầu.
Những mối nguy với chim trời
Tuy có ý nghĩa quan trọng về mặt sinh thái và văn hóa, các loài chim hoang dã ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với vô số mối đe dọa. Trong đó, việc mất môi trường sống là thách thức đáng kể nhất. Khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được ưu tiên, nhiều khu rừng đã phải “nhường chỗ” để phục vụ nông nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng.
Các vùng đất ngập nước vốn là nơi sinh sản và kiếm ăn của vô số loài chim đang bị rút nước và chuyển đổi sang mục đích thương mại. Sự phân mảnh sinh cảnh này làm gián đoạn chu kỳ sinh sản các loài chim trời, giảm nguồn thức ăn và cô lập các quần thể, đẩy chúng đến bờ vực tuyệt chủng.
Bên cạnh đó, việc buôn lậu động vật hoang dã cũng là một mối nguy đối với các loài chim trời. Do nhu cầu về thịt chim trời và một số ứng dụng trong Đông y, chim trời thường xuyên bị bẫy và săn bắn với tần suất đáng báo động. Thực trạng tàn nhẫn này không chỉ làm giảm số lượng chim mà còn gây ra rủi ro đáng kể về sức khỏe đối với những người tiếp xúc với chim trời.
Các bệnh lây truyền từ động vật sang người, như cúm gia cầm, có thể lây từ chim hoang dã sang người qua các chợ truyền thống. Các loài chim hoang dã có thể đóng vai trò như vật chủ chứa mầm bệnh của nhiều loại virus, có thể lây lan sang các trang trại gia cầm, gây thiệt hại kinh tế và gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
Vì sao ta cần bảo tồn chim trời
Việt Nam tự hào là mái nhà của hơn 900 loài chim, mỗi loài đều góp phần tạo nên bức tranh tuyệt đẹp của các hệ sinh thái trải dài khắp đất nước ta. Trong số đó, có 99 loài chim cần được bảo tồn, với 10 loài rất nguy cấp, 17 loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng và 24 loài sắp bị đe dọa (Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam).
Việt Nam đã bắt đầu nhận thấy tính cấp thiết trong việc bảo tồn chim trời và điều này đã được thể hiện qua các chỉ thị gần đây của chính phủ hướng đến việc bảo vệ môi trường sống của chim, các tuyến đường di cư và các điểm dừng chân của chim trời. Do đó, các khu vực bảo tồn như các vườn quốc gia và các khu bảo tồn chim trời đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, các tổ chức như WildAct và Save Vietnam’s Wildlife cũng có những nỗ lực hết mình trong việc theo dõi và bảo tồn các loài chim trời, song song với việc giáo dục nhận thức cộng đồng và ngăn chặn nạn buôn lậu chim trời.
Tuy nhiên, sự thành công của các nỗ lực bảo tồn phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và sự tham gia của cộng đồng. Các cá nhân có thể đóng một vai trò quan trọng bằng cách nói “không” với tiêu thụ chim trời, hỗ trợ đóng góp cho các tổ chức bảo tồn và áp dụng các biện pháp làm vườn thân thiện với chim. Trồng cây bản địa và tạo nơi làm tổ trong khu vườn của chúng có thể mang lại nơi trú ẩn quan trọng cho các loài chim, nhất là khi môi trường sống của chúng bị thu hẹp.
Việc bảo vệ các loài chim trời không chỉ giúp bảo tồn và duy trì cá thể loài. Bởi, chim trời còn là những “anh hùng thầm lặng” của các hệ sinh thái tại nước ta. Được mệnh danh là bạn nhà nông, các loài chim trời giúp kiểm soát quần thể côn trùng, đặc biệt là những loài gây hại cho cây trồng. Nhiều loài chim là thiên địch của côn trùng, giúp kiểm soát dịch hại tự nhiên và giảm nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu.
Một vai trò quan trọng không kém của của chim trời chính là phát tán hạt giống ngoài tự nhiên. Bằng cách tiêu thụ và phân tán hạt giống, các loài chim thúc đẩy sự đa dạng sinh học của nhiều loài cây, đảm bảo sức khỏe của rừng và các vùng đất ngập nước. Ngoài ra, chim cũng giúp duy trì hệ thống nước trong lành bằng cách phân tán hạt giống thực vật thủy sinh, tạo ra một hệ sinh thái cân bằng quan trọng cho các quần thể cá.
Tương lai của các loài chim Việt Nam nằm trong tay chúng ta. Để những bài ca của chim trời còn được cất lên mãi, ta cần sớm nhận ra ý nghĩa sinh thái của các loài chim và góp phần bảo tồn chim trời. Bảo vệ chim trời không chỉ là bảo tồn đa dạng sinh học, mà đó là việc bảo vệ môi trường tươi đẹp cho các thế hệ mai sau. Chúng ta hãy cùng nhau hợp tác để đảm bảo rằng các thế hệ tương lai có thể tiếp tục chứng kiến vẻ đẹp tuyệt sắc của các loài chim hoang dã ở Việt Nam.